– Kẽm là vi chất rất quan trọng nhưng 70% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thiếu mức nặng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí tuệ và chiều cao của trẻ.
Tại hội nghị truyền thông nhân ngày vi chất dinh dưỡng vừa diễn ra, BS Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, tình trạng thiếu kẽm ở nước ta đang ở mức báo động.
Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, khoảng 64% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu kẽm. Tỉ lệ này ở phụ nữ mang thai là hơn 80%.
Ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỉ lệ thiếu kẽm trung bình là gần 70%, trong đó khu vực miền núi lên tới 80,8%, nông thôn 71,6%; thành thị ở 49,7%.
Tuy nhiên những người thiếu kẽm không có biểu hiện đặc thù như thiếu các vi chất khác, thiếu hụt chỉ phát hiện được thông qua xét nghiệm huyết thanh.
“Kẽm tham gia vào hơn 200 loại enzym chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng toàn bộ quá trình phát triển chiều cao, trí tuệ của trẻ. Thiếu kẽm ở bà mẹ mang thai làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén”, BS Vân nhấn mạnh.
PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cung cấp thêm, thiếu kẽm cũng dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, trẻ biếng ăn, rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên giấc, hay giật mình.
Theo nghiên cứu, nhu cầu kẽm hàng ngày của trẻ sơ sinh khoảng 2-3mg/ngày, trẻ 4-8 tuổi cần 5mg, người lớn cần 8mg/ngày và con số này ở phụ nữ mang thai và cho con bú ở mức 11-13mg/ngày.
Cơ thể không tự sản sinh ra kẽm mà dung nạp qua ăn uống. Khi thiếu, cơ thể sẽ huy động nguồn dự trữ từ gan và lá lách. Tuy nhiên kẽm chỉ tồn tại trong cơ thể 12 ngày, nên bắt buộc phải bổ sung đều đặn hàng ngày.
Kẽm có nhiều trong đồ biển như: hàu, ngao, tôm, cua; các loại thịt như thịt bò, gà, heo. Các loại hạt ngũ cốc có nhưng ít, khó thấp thu.
Bữa ăn nghèo vi chất
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn hằng ngày của người Việt Nam hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng, chất đạm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về các vitamin và khoáng chất.
Ngoài kẽm, bữa ăn hằng ngày của người Việt đang còn thiếu hàng loạt các dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, iot, sắt, canxi, vitamin D…
Theo BS Vân, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ cao bị thiếu vi chất dinh dưỡng, tuy nhiên nhóm đối tượng nguy cơ cao dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng là trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.
Hiện tỉ lệ thiếu máu trung bình ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%, tỉ lệ này ở khu vực miền núi là 31,2%, nông thôn 28,4% và ở thành thị 22,2%; Tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai: 32,8%, ở phụ nữ không có thai 25,5%.
Tỉ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn ở mức 13%. Nguyên nhân chính do bữa ăn hàng ngày của trẻ (dưới 5 tuổi) mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu vitamin A; 34,8% bà mẹ có vitamin A trong sữa mẹ thấp do bữa ăn hàng ngày chưa đáp ứng được nhu cầu cơ thể.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu cũng rất đáng ngại khi kết quả điều tra toàn quốc năm 2015 cho thấy 32,8% phụ nữ có thai, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu.
Chưa kể, mức tiêu thụ vitamin D và canxi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị. Mức trung vị iốt niệu đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, là nguyên nhân khiến gần 10% trẻ em dưới 10 tuổi bị bướu cổ…
Thiếu vi chất dinh dưỡng được coi là ”nạn đói tiềm ẩn”, gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, dẫn đến chậm phát triển chiều cao, thể lực, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Thời điểm vàng ‘bón thúc’ cho con cao lớn
Nhiều bậc phụ huynh nhồi nhét cho con mọi lúc mọi nơi mong con cao lớn mà không biết đến thời điểm vàng cần “bón thúc” nên lùn vẫn hoàn lùn.
Học cách ăn người Nhật, uống ít sữa con vẫn cao lớn
Người Nhật từng thấp hơn người Việt nhưng sau 10 năm, quốc gia này trở thành hiện tượng phát triển thể chất một cách thần kỳ nhờ cải thiện chế độ dinh dưỡng.
Ít biết, ăn 1 bát phở thừa muối cả ngày
Ít ai biết mì chính cũng chứa muối, 1 bát phở bình thường có thể chứa
đến 4-5g muối, trong khi mức khuyến nghị của WHO với mỗi người là dưới
5g muối/ngày.
T.Hạnh