Categories
Sức khoẻ

Phòng tránh liệt mặt mùa lạnh

Đầu mùa lạnh, sau một đêm ngủ dậy, mẹ tôi bị sụp mi mắt bên trái và miệng cũng méo sang một bên…


>>> Mùa lạnh: Cảnh giác méo miệng, liệt mặt


Đầu mùa lạnh, sau một đêm ngủ dậy, mẹ tôi bị sụp mi mắt bên trái và miệng cũng méo sang một bên. Gia đình tôi đã nhanh chóng đưa mẹ đi khám bệnh và bác sĩ chẩn đoán là bị liệt mặt. Sau một thời gian uống thuốc và châm cứu, nay mẹ tôi đã hết liệt mặt. Xin hỏi bác sĩ cách phòng tránh liệt mặt mùa lạnh?

Cao Thị Thơm ([email protected])

Các dây thần kinh vận động cơ mặt từ trong não đi ra phải chui qua một khe xương hẹp.

Liệt mặt còn gọi là bệnh Bell’s Palsy, xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ mặt bị viêm và bị chèn ép. Do đó, khi bị nhiễm siêu vi, các dây thần kinh này sưng lên, bị kẹt trong hốc xương, bị tổn thương lớp màng bọc bên ngoài khiến tín hiệu thần kinh bị cản trở, gây ra tê liệt và yếu các cơ mặt. 

Trời lạnh, cơ thể giảm sức đề kháng, nhất là ở người già dễ mắc bệnh nhiễm siêu vi gây viêm nhiễm vùng tai mũi họng và các dây thần kinh mặt, có thể gây liệt mặt. Các đối tượng: phụ nữ có thai, bệnh nhân tiểu đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch… dễ mắc bệnh.

Phòng tránh liệt mặt mùa lạnh bằng cách: mặc ấm, đêm ngủ đắp chăn ấm để tránh bị nhiễm lạnh. 

Phòng nhiễm siêu vi bằng cách: nâng cao sức đề kháng của cơ thể như tập thể dục thường xuyên; ăn uống đủ chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp. 

Mọi người khi ra đường hay đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm các bệnh do siêu vi khuẩn. Tránh gió lùa nơi ở, làm việc và phòng ngủ.

Theo Sức khỏe & Đời sống


Categories
Sức khoẻ

5 loại thực phẩm làm ấm cơ thể trong mùa đông

Mùa đông giá rét, có người chịu lạnh tốt, nhưng cũng có nhiều người lại rất sợ lạnh. Để chống chọi với giá rét, ngoài mặc quần áo đủ ấm, bạn cần ăn những món có tác dụng chống rét.

Theo Đông y, thực phẩm có những nhiều loại với các thuộc tính khác nhau: có loại tính mát lạnh, có loại tính ôn bổ, có loại có tính nóng ấm. Để chống rét, bạn cần ăn các loại thức ăn có tính nóng ấm, sản sinh nhiều năng lượng.

Các loại thịt

Những loại thịt như thịt chó, thịt dê, thịt bò, thịt hươu có tác dụng chống lạnh khá tốt. Bởi những loại thịt này có chứa hàm lượng protein và chất béo cao, có tác dụng bổ thận tráng dương, làm ấm cơ thể, bổ khí hoạt huyết. Nếu bạn ăn những loại thịt này có thể tăng nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, tăng cường chức năng nội tiết, khiến cơ thể bạn chống đỡ với thời tiết giá rét tốt hơn.

Rau củ quả

Nhiều nghiên cứu cho thấy: sợ lạnh có liên quan tới việc thiếu các chất khoáng trong cơ thể. Trong khi các loại rau củ quả như sup lơ, cà chua, cà rốt, su hào, bắp cải, khoai lang, khoai tây, dâu tây, cam, quýt, …có hàm lượng khoáng chất phong phú.

Thực phẩm cay nóng

Các loại thực phẩm có tính cay nóng như : ớt, gừng, hạt tiêu, quế, giềng… là những thực phẩm có tác dụng trừ phong tán hàn, thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng thân nhiệt.

Tuy nhiên bạn chỉ nên ăn một lượng vừa phải để giữ ấm cho cơ thể. Bạn không nên lạm dụng các thực phẩm cay nóng vì có thể gây nhiệt thái quá dẫn đến đi kiết lỵ, bệnh trĩ…

Thực phẩm chứa i-ốt.

I-ốt có nhiều trong rong biển, muối biển, sứa, sò, cải thảo, rau chân vịt, ngô …có tác dụng kích thích bài tiết nhiều hormon tuyến giáp. Hormon này có tác dụng sinh nhiệt, thúc đẩy quá trình ô-xy hóa của các tế bào trong cơ thể, làm tăng quá trình trao đổi chất, tăng cường tuần hoàn máu dưới da có tác dụng chống lạnh.

Thực phẩm chứa sắt

Nhiều nghiên cứu cho biết: nếu cơ thể thiếu chất sắt sẽ rất dễ bị lạnh.

Thân nhiệt của phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt thấp hơn so với thân nhiệt của phụ nữ có huyết sắc tố bình thường là 0,7℃ và nhiệt lượng sản sinh trong cơ thể thấp hơn 13%.

Sau khi bổ sung chất sắt, khả năng chống rét của phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt tăng rõ rệt. Theo đó, mọi người, nhất là phụ nữ nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều sắt như : gan động vật, thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, rau chân vịt…để tăng khả năng chống rét.

Ngoài ra để giúp cơ thể chống rét, bạn cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng để giúp cơ thể giữ thân nhiệt tốt trong điều kiện thời tiết giá rét. Bạn không nên uống rượu bia vào những ngày rét đậm rét hại ( nhiệt độ dưới 10 độ) vì khả năng sản sinh nhiệt của rượu rất ít.

Sau khi uống rượu cơ thể có cảm giác nóng lên là do cồn làm giãn mạch máu ngoài da, làm tán nhiệt trong cơ thể, khiến khả năng chống lạnh cơ thể giảm xuống. Bạn cũng cần duy trì chế độ tập thể dục thể thao đều đặn vừa sức để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Điều quan trọng là bạn cần mặc đủ ấm và tránh bị nhiễm nước mưa.

(Theo SK&ĐS)