Categories
Sức khoẻ

Cách chế biến thực phẩm tránh bị ngộ độc trong mùa hè

Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao.

Gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày hè

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, gia tăng sử dụng nước đá ăn uống, nguyên liệu tươi sống bảo đảm an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…

Mùa hè, thời tiết nóng và ẩm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố do ô nhiễm thực phẩm, thức ăn chín.

Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế. 

Thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới/giỗ; không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… thì sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh dễ gây ô nhiễm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi – Hại” của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm.

Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm.

Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa hè, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn:

1. Chọn thực phẩm an toàn.

2. Nấu kỹ thức ăn.

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.

10. Sử dụng nguồn nước sạch.

Những thực phẩm ăn xong dứt khoát không nên uống nước

Chúng ta thường được khuyên không nên uống nước sau khi ăn một số
loại thực phẩm như dưa hấu,
dưa chuột, cam, dứa, bưởi…

9 thực phẩm phổ biến có thể gây chết người nếu ăn sai cách

Hạt đào, khoai tây, đậu phộng, nấm là những thực phẩm phổ biến bạn ăn hàng ngày có chứa chất độc chết người không phải ai cũng biết.

Những thực phẩm làm hỏng ‘chuyện yêu’

Có rất nhiều loại thực phẩm bạn thích ăn mà không biết rằng nó có thể
làm giảm hàm lượng testosterone và do vậy ảnh hưởng tới “chuyện ấy”.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)


Categories
Sức khoẻ

Chén rượu ‘bổ’ + bát tiết canh: Người suýt mất mạng, người phải xin về

Những ngày qua, tại nhiều cơ sở y tế đã tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đến điều trị trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng chỉ vì những thói quen ăn, uống nguy hại.

Mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng đã có trường hợp gia đình phải xin về… Từ thực tế này, cơ quan quản lý cũng như các bác sĩ đã tiếp tục khuyến cáo người dân hãy biết bảo vệ sức khỏe của mình, không vì những món ăn “khoái khẩu”, vì chén rượu mà rước họa vào thân…

Mất mạng vì món ăn “khoái khẩu”: tiết canh

Mặc dù Bộ Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền về tác hại khôn lường của thói quen sử dụng món ăn “khoái khẩu” tiết canh của nhiều người, thế nhưng tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, mấy ngày qua đã tiếp nhận đến 3 trường hợp mắc liên cầu lợn vì ăn tất niên tiết canh, trong đó một bệnh nhân gia đình xin về.

Theo thông tin của BS. Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TW) cho biết, bệnh nhân 63 tuổi, ở Nam Định nhập viện sáng mùng 2 Tết trong tình trạng sốt, tiêu chảy, xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và gia đình xin về sau gần 1 ngày nằm viện.

Trước đó, ngày 30 Tết bệnh nhân này ăn tiết canh, uống rượu. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, xuất hiện các ban hoại tử trên da, được gia đình đưa vào BVĐK Nam Định, rồi chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TW.

Hai trường hợp còn lại đều là thanh niên 37 tuổi ở Ninh Bình và Bắc Ninh lần lượt được chuyển đến trong tình trạng hôn mê, viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Họ đều ăn tiết canh vào ngày cuối năm, 28 và 29 Tết. Hiện tình trạng bệnh cả hai bệnh nhân đã được khống chế. Tuy nhiên, BS. Cấp cho biết, để điều trị ổn định họ phải nằm viện cả tháng, với chi phí điều trị vài chục triệu nếu không có BHYT.

Suy thận vì uống rượu mật cá trắm để bồi bổ sức khỏe

BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, ngày mùng 4 Tết, bệnh nhân Lê Đình Đ. (58 tuổi ở Thanh Liêm, Hà Nam) đã vào cấp cứu vì ngộ độc mật cá trắm đen. Theo gia đình, bệnh nhân này đã dùng mật cá trắm đen pha vào rượu uống để bồi bổ sức khỏe.

Tuy nhiên, sau khi uống khoảng 7 giờ đồng hồ, ông Đ. có biểu hiện đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, nhưng vì ngày Tết nên ông Đ. cố chịu đau gần 4 ngày ở nhà vì “kiêng kỵ” đầu năm không đến viện cho đến khi đau quá không chịu được. Vừa vào viện, ông Đ. đã phải chạy thận cấp cứu vì suy thận.

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, nếu bệnh nhân Đ. đến muộn hơn và không được chạy thận lọc độc thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí có thể tử vong.

Về việc sử dụng mật cá trắm để chữa bệnh của nhiều người, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay đang có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay… dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.

Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.

(Theo SK&ĐS)