Categories
Sức khoẻ

Chén rượu ‘bổ’ + bát tiết canh: Người suýt mất mạng, người phải xin về

Những ngày qua, tại nhiều cơ sở y tế đã tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đến điều trị trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng chỉ vì những thói quen ăn, uống nguy hại.

Mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng đã có trường hợp gia đình phải xin về… Từ thực tế này, cơ quan quản lý cũng như các bác sĩ đã tiếp tục khuyến cáo người dân hãy biết bảo vệ sức khỏe của mình, không vì những món ăn “khoái khẩu”, vì chén rượu mà rước họa vào thân…

Mất mạng vì món ăn “khoái khẩu”: tiết canh

Mặc dù Bộ Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền về tác hại khôn lường của thói quen sử dụng món ăn “khoái khẩu” tiết canh của nhiều người, thế nhưng tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, mấy ngày qua đã tiếp nhận đến 3 trường hợp mắc liên cầu lợn vì ăn tất niên tiết canh, trong đó một bệnh nhân gia đình xin về.

Theo thông tin của BS. Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TW) cho biết, bệnh nhân 63 tuổi, ở Nam Định nhập viện sáng mùng 2 Tết trong tình trạng sốt, tiêu chảy, xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và gia đình xin về sau gần 1 ngày nằm viện.

Trước đó, ngày 30 Tết bệnh nhân này ăn tiết canh, uống rượu. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, xuất hiện các ban hoại tử trên da, được gia đình đưa vào BVĐK Nam Định, rồi chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TW.

Hai trường hợp còn lại đều là thanh niên 37 tuổi ở Ninh Bình và Bắc Ninh lần lượt được chuyển đến trong tình trạng hôn mê, viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Họ đều ăn tiết canh vào ngày cuối năm, 28 và 29 Tết. Hiện tình trạng bệnh cả hai bệnh nhân đã được khống chế. Tuy nhiên, BS. Cấp cho biết, để điều trị ổn định họ phải nằm viện cả tháng, với chi phí điều trị vài chục triệu nếu không có BHYT.

Suy thận vì uống rượu mật cá trắm để bồi bổ sức khỏe

BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, ngày mùng 4 Tết, bệnh nhân Lê Đình Đ. (58 tuổi ở Thanh Liêm, Hà Nam) đã vào cấp cứu vì ngộ độc mật cá trắm đen. Theo gia đình, bệnh nhân này đã dùng mật cá trắm đen pha vào rượu uống để bồi bổ sức khỏe.

Tuy nhiên, sau khi uống khoảng 7 giờ đồng hồ, ông Đ. có biểu hiện đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, nhưng vì ngày Tết nên ông Đ. cố chịu đau gần 4 ngày ở nhà vì “kiêng kỵ” đầu năm không đến viện cho đến khi đau quá không chịu được. Vừa vào viện, ông Đ. đã phải chạy thận cấp cứu vì suy thận.

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, nếu bệnh nhân Đ. đến muộn hơn và không được chạy thận lọc độc thì có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí có thể tử vong.

Về việc sử dụng mật cá trắm để chữa bệnh của nhiều người, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay đang có hiện tượng người dân sử dụng mật cá trắm để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay… dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.

Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.

(Theo SK&ĐS)


Categories
Sức khoẻ

Quý ông nên tránh xa nước chanh, thuốc giải rượu khi say

– Bác sĩ khuyến cáo khi say rượu không nên uống nước chanh, uống thuốc giải rượu hay thuốc chống nôn.

Uống thuốc giải rượu vẫn ngộ độc

Hiện trên thị trường đang quảng cáo vô số loại thuốc giải rượu khiến các đệ tử lưu linh coi đây là “bảo bối”, uống thoải mái không say.

Tuy nhiên BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cảnh báo, đây là quan niệm hết sức sai lầm.

Trung tâm đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân uống tới say xỉn rồi tống thuốc giải rượu vào, phải nhập viện cấp cứu vì bị ngộc độc rượu. Đáng lưu ý, những trường hợp này thường nhập viện trong tình trạng nặng hơn, bởi tâm lý đã dùng thuốc giải rồi có thể uống vô tư.

Hay có những người mắc bệnh gan nhưng lạm dụng thuốc giải rượu, dẫn tới suy gan phải nhập viện.

“Tình trạng lạm dụng các loại thuốc giải rượu đang có xu hướng gia tăng. Trong khi thực tế chưa có nghiên cứu nào chứng minh được hiệu quả rõ ràng của thuốc giải rượu, kể cả dạng uống hay tiêm”, BS Nguyên nhấn mạnh.

Theo BS Nguyên, những loại thuốc này thường chỉ có tác dụng hỗ trợ phần nào với tác động chính là bù đắp muối, khoáng, vitamin. Không có chuyện cứ đang say dùng thuốc là tỉnh.

BS cũng khuyến cáo, khi say rượu không nên uống các thuốc chống nôn, vì sẽ khiến chất độc giữ lại trong cơ thể, gan không thể lọc kịp, gây tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ gây xơ gan, ung thư gan.

Sai lầm khi dùng nước chanh

BS Nguyên chia sẻ, hầu hết mọi người đều lầm tưởng uống nước chanh hoặc đồ uống chua có thể giúp giải rượu nhanh hơn mà không biết loại đồ uống này có thể gây tổn thương dạ dày.

“Nếu vẫn còn lượng rượu trong người thì khi kết hợp với đồ uống chua dễ gây nôn thêm, gây tổn thương dạ dày do có axit”, BS Nguyên giải thích.

Thêm nữa, các “ma men” thường rất dễ ngủ trong lúc say, nếu cho uống nước chanh gây nôn trong lúc ngủ có thể khiến dịch nôn, thức ăn chui vào phổi gây sặc, ngạt thở và có thể tử vong nếu không được sơ, cấp cứu kịp thời.

Do vậy, thay vì uống nước chanh thì nên cho người say uống các đồ uống có đường, mật ong, muối, nước canh, sữa…

Một sai lầm khác cũng được nhiều người áp dụng là uống aspirin hoặc paracetamol trước hoặc sau khi uống rượu để giảm các cơn đau đầu, tăng “đô rượu”.

“Đây là điều cấm kỵ. Paracetamol là thành phần chính trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa cảm cúm. Khi uống rượu, bia vào, gan đang bị ảnh hưởng lại thêm paracetamol cùng một lúc chuyển hoá có thể làm gan tê liệt. Hay như aspirin, một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khi uống phối hợp với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, tá tràng, dẫn đến viêm loét hoặc thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa”, BS Nguyên khuyến cáo.

Để tránh nguy hiểm, BS Nguyên khuyên mọi người nên uống rượu ở mức vừa phải. Nên uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc; không dùng rượu bia không rõ nguồn gốc; không nên uống nhiều loại rượu cùng lúc.

Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt… sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay.

Thúy Hạnh

Bài sau: Cách sơ cứu người say rượu đúng cách


Categories
Sức khoẻ

Học cách sơ cứu người say rượu đúng cách

– Nguyên tắc sơ cấp cứu người bị say rượu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, cho gối cao đầu và nằm nghiêng sang bên phải.

Rượu nấu hay cồn pha… cũng mất mạng

BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, thời điểm sát và sau Tết là cao điểm tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc rượu, trung bình mỗi ngày 2-3 ca.

Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như: Khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận.

Trong đó chia làm 2 loại là ngộ độc rượu do ethanol (rượu tự nấu) và methanol (cồn công nghiệp), chiếm đa phần là bệnh nhân ngộ độc ethanol, một số ít trường hợp nặng do uống rượu ngoại.

Với ngộ độc do ethanol, trường hợp nhẹ gây ức chế thần kinh trung ương, nói nhiều, không làm chủ được bản thân. Nặng thì tụt huyết áp, loạn nhịp tim, thở yếu, có thể ngừng thở, gây hạ đường huyết, viêm dạ dày, chảy máu dạ dày, tổn thương não, hôn mê, tử vong…

Với người gầy yếu, lượng rượu quá lớn với thể trọng sẽ gây tác hại gấp nhiều lần so với những người khác.

Ngộ độc do methanol tuy ít nhưng nguy hiểm hơn nhiều, vào cơ thể chuyển hoá thành các axit gây tổn thương tế bào. Nhẹ sẽ ảnh hưởng đến thị lực, nặng ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận… rất dễ dẫn đến tử vong. Nếu may mắn giải độc kịp thời vẫn có thể để lại di chứng ở não, mù loà.

Mới đây nhất, trung tâm có 4/5 bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu thì có tới 3 trường hợp ngộ độc methanol.

Theo BS Nguyên, triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng cũng có thể muộn hơn.

Đáng lo là với những ca ngộ độc rượu này, bệnh nhân chỉ nghĩ là uống rượu bình thường, không phải rượu giả nên nhiều người chủ quan.

Do đó khi có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, lúc đó tình trạng ngộ độc đã nặng, điều trị rất khó khăn.

Nằm nghiêng khi say rượu

Theo BS Nguyên, khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên.

“Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải. Đây là tư thế nghiêng an toàn, có tác dụng dẫn lưu đờm dãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị nôn”, BS Nguyên hướng dẫn.

Tư thế này cũng giúp dạ dày uốn cong, thức ăn trong dạ dày không bị kích thích, nôn ra ngoài. Trong khi để bệnh nhân nằm nghiêng, cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, tránh bị hôn mê mà không biết.

Nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột như ngô, khoai, sắn, hoặc sữa, đường… nhằm tránh hạ đường huyết.

Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng không biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Trường hợp bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị… cần phải đưa tới bệnh viện khám.

Phải luôn chú ý ủ ấm cho bệnh nhân, đặc biệt khi trời rét. Tuyệt đối không cho người bệnh tự điều khiển xe cộ hay lao động… dễ gây ra các tai nạn đáng tiếc.

Quý ông nên tránh xa nước chanh, thuốc giải rượu khi say

Bác sĩ khuyến cáo khi say rượu không nên uống nước chanh, uống thuốc giải rượu hay thuốc chống nôn.

Rượu và ‘tình dược’ ngày xuân

Về phương diện sức khỏe tình dục, người xưa vẫn thường gắn liền hai chữ “tửu” và “sắc” với nhau.

Có thuốc nào giúp uống rượu không bị say?

 Sau khi uống rượu, tôi thường say và rất đau đầu. Tôi nghe nói uống paracetamol hoặc thuốc giảm đau khi uống rượu thì sẽ không bị say.

Thúy Hạnh