Với họ, trồng thảo dược sạch giúp chữa bệnh cho mọi người là tất cả tâm huyết và đam mê.

Khi nói về tháng 3, thay vì nhắc đến ngày lễ mà phụ nữ thường được nhận những lời chúc, những bông hoa, món quà, thì điều đầu tiên họ nhắc đến là thời vụ ra hoa, thu hoạch của các loại cây thảo dược. Tuy người làm việc văn phòng, nghiên cứu, người cùng nông dân, công nhân đổ mồ hôi trên cánh đồng, họ đều có chung một tham vọng: đưa thảo dược Việt Nam lên bản đồ thế giới.

Bà Tuyết Anh -Giám đốc TT Nghiên cứu và SX dược liệu

Bà Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung, với chất giọng Đà Lạt nhỏ nhẹ luôn tràn đầy đam mê khi nói về thảo dược. Lăn lộn khắp các tỉnh miền Trung từ những năm 80, bà quyết định chọn Phú Yên để bắt đầu thử nghiệm trồng do ở đây nắng mưa vừa và rải đều, người nông dân chăm chỉ cần cù. Sau 6 năm miệt mài nghiên cứu và phát triển bà mới có được thành công bước đầu từ việc trồng cây dừa cạn làm thuốc chữa ung thư.

 

Thành công này là xuất phát điểm để bà phát triển Trung tâm cho đến quy mô lớn. Đến nay, ngoài 10 hecta nông trại, Trung tâm còn hợp tác với 150 hộ dân trồng trên 50 hecta các loại thảo dược theo tiêu chuẩn GACP-WHO (tiêu chuẩn cho trồng/thu hái dược liệu).

Sản phẩm của Trung tâm không chỉ được phân phối đến nhà thuốc, các công ty dược liệu cũng như các nhà máy dược trên cả nước mà còn được xuất khẩu vào các thị trường Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan, Hungary. Tâm huyết của một nhà khoa học, một nhà doanh nghiệp đã đem lại thành công cho một mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Phú Yên và sản phẩm thảo dược có chất lượng cho ngành dược Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Lý – Chuyên gia Quản lí chất lượng

Gần 20 năm tư vấn, chứng nhận các hệ thống quản lí chất lượng cho hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước, bà Nguyễn Thị Minh Lý nhận thấy tại Việt Nam, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng dành cho các sản phẩm nông nghiệp đã khá hoàn thiện. Thế nhưng tiêu chuẩn dành cho thảo dược, nguyên liệu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người không khác gì thực phẩm, lại đang bị bỏ ngỏ.

Từ quan sát đó, bà đã tìm cơ hội cộng tác với các nhà khoa học, các tổ chức phát triển trong nước cũng như các doanh nghiệp để tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Thông qua những lần hợp tác như vậy, bà đã tham gia xây dựng quy trình trồng chuẩn hóa cũng như đào tạo, tập huấn cho các cán bộ địa phương, cán bộ kĩ thuật của các doanh nghiệp để phổ biến các tiêu chuẩn của quốc tế cho thảo dược vào Việt Nam.

Bà Lý chia sẻ: “Chúng ta đang cần một tiêu chuẩn toàn diện xuyên suốt quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đến thị trường, hướng tới đảm bảo quyền lợi cho đầy đủ các bên tham gia từ người nông dân, doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng. Những tiêu chuẩn như vậy sẽ là xu hướng tất yếu của một xã hội tiên tiến và văn minh”.

 

Chị Nguyễn Lam Giang – Giám đốc tổ chức HELVETAS

Công tác tại một tổ chức quốc tế với đặc thù công việc được tiếp xúc nhiều với người đến từ nhiều nước, chị Nguyễn Lam Giang cũng để ý thấy xu hướng quay trở lại với những sản phẩm thảo dược thiên nhiên đang dần trở nên phổ biến. Và mỗi quốc gia đều biết tận dụng lợi thế từ những thảo dược sẵn có để sản xuất thành những sản phẩm phong phú. Hiểu rằng Việt Nam mình cũng được rất nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, lại có kho tàng các bài thuốc dân gian lâu đời, chị chắc chắn đây là những yếu tố lí tưởng cho phát triển thảo dược.

Từ năm 2012, cùng với các đồng nghiệp, chị Giang đã bỏ nhiều tâm huyết để tìm hướng đi bền vững để phát triển ngành thảo dược trong nước. Dự án BioTrade đã ra đời dựa trên sáng kiến BioTrade của Tổ chức Hợp tác Phát triển Liên hợp quốc. Với cốt lõi là các nguyên tắc về bảo tồn bền vững tài nguyên, tạo ra các mô hình kinh tế bền vững và công bằng, BioTrade tại Việt Nam đã được phát triển thành một tiêu chuẩn.

Những ngày đầu mới triển khai dự án, chị gặp rất nhiều khó khăn do các doanh nghiệp chưa mặn mà, khoản đầu tư để thực hiện tiêu chuẩn thì lớn mà lợi ích thì chưa thể thấy được ngay. Vì vậy, dự án đã đổi hướng sang tiếp cận các doanh nghiệp dược đầu ngành, với khả năng tài chính mạnh hơn cũng như tầm nhìn dài hạn. Qua một số mô hình thí điểm thành công, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã nhận thấy việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế là điều bắt buộc nếu muốn nâng cao khả năng cạnh tranh. Đến nay, dự án đã được mở rộng với 12 doanh nghiệp tham gia, chiếm 80% thị phần thị trường thảo dược Việt Nam.

 

Sự cam kết của địa phương cũng như sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế là những tín hiệu tích cực để chúng ta có thể lạc quan về tương lai của thảo dược Việt.

Doãn Phong