– Cho con uống sữa thật nhiều, chế độ ăn giàu đạm, nhiều thủy hải sản, cất công phơi nắng cho con từ sáng sớm, thế nhưng chị Thúy Hà (Hoàng Mai, HN) vẫn rầu rĩ vì con thấp còi.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao gồm: gen di truyền, chế độ dinh dưỡng, vận động và môi trường. Trong đó, gen di truyền chỉ quyết định 23% khả năng phát triển chiều cao của trẻ, 77% còn lại phụ thuộc vào cách chăm sóc của cha mẹ cũng như chế độ tập luyện, môi trường sống của trẻ.

Nhiều người đã cho con phơi nắng, nhưng không đủ thời gian hay bịt kín con cũng không giải quyết được vấn đề. Mỗi ngày, mẹ và bé cần tắm nắng 10-30 phút vào sáng sớm để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ xương dài nhanh.

Vitamin D là nguyên tố trực tiếp chuyển hoá canxi cho xương hấp thu. Cho dù mẹ có bổ sung canxi nhiều đến mấy mà lại không có sự cân bằng vitamin D cơ thể trẻ vẫn sẽ bị thiếu canxi vì không được chuyển hoá.

Với các bà mẹ ép con uống nhiều sữa mà con vẫn chưa cao, BS Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng BV Bạch Mai cho biết, các bà mẹ này đã cung cấp cho con một trong những điều kiện cần để phát triển chiều cao nhưng lại thiếu đi điều kiện đủ là tạo điều kiện cho con vui chơi bên ngoài nhằm hấp thụ vitamin D.

Ngoài ra, sự phát triển chiều cao cho trẻ còn lệ thuộc một phần vào chế độ vận động thể chất.

Đạm cũng rất cần cho sự phát triển chiều cao ở trẻ. Thiếu đạm thì xương ngừng phát triển, lượng canxi trong máu cũng giảm. Tuy nhiên chế độ ăn nhiều protein lại làm tăng bài xuất canxi theo nước tiểu. Đây chính là nguyên nhân gây thiếu canxi, tác nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi.

Cũng có những bà mẹ kỳ công, làm các loại tôm cua hải sản kết hợp với cải bó xôi, hay các loại đậu cho con ăn vì tin tất cả thực phẩm này rất dồi dào canxi. Nhưng chính sự kết hợp này đã phản tác dụng. Khi con ăn tôm cua hải sản thì không nên kèm đậu, đậu phụ hay rau bó xôi.

Nhiều người cho rằng gen di truyền quyết định hoàn toàn chiều cao của trẻ, cha mẹ cao thì con cao, cha mẹ thấp thì con cũng thấp.

Không tự ý bổ sung canxi cho trẻ

Theo BS Kim Liên, nhiều mẹ thấy con con còi cọc, thấp bé, hoặc đang trong giai đoạn phát triển, nên tự ý cho ăn/uống thực phẩm bổ sung canxi là hoàn toàn không nên.

Thừa canxi sẽ gây lắng đọng nhiều ở thận gây sỏi thận. “Uống canxi không đủ, hấp thụ canxi tốt còn cần đến phốt pho theo một tỉ lệ cân đối. Có người cho rằng, chỉ uống là đủ, mà không chú trọng tới ăn thực phẩm giàu canxi. Canxi hấp thu phải có vitamin D mới chuyển hóa vào xương. Chỉ uống canxi nhưng giữ rịt con trong nhà, ra đường bịt kín thì không tác dụng gì”, BS Liên giải thích.

Canxi đóng vai trò quan trọng đến các bộ phận của cơ thể như xương, hệ thần kinh, miễn dịch, cơ bắp… Tuy nhiên, khi cơ thể thừa canxi thì sẽ gặp nguy cơ bị vôi hóa thận, sỏi thận, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magie… làm trẻ suy dinh dưỡng.

Trẻ cũng dễ thấp lùn do hàm lượng canxi trong máu tăng cao có thể đi vào xương nhiều hơn, làm cứng xương sớm dẫn tới hạn chế sự phát triển xương. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nhu cầu canxi của cơ thể thay đổi theo lứa tuổi và phụ thuộc vào quá trình phát triển xương của mỗi người.

Có rất nhiều cha mẹ cho rằng, thường xuyên ăn canh xương thì sẽ có đủ canxi. Nhưng canxi trong xương không dễ bị hòa tan thậm chí ninh cả tiếng đồng hồ.

Trẻ thường lười ăn rau, nên nhiều cha mẹ chiều con, chỉ cho con ăn thịt với lầm tưởng trong rau xanh chỉ có chất xơ và vitamin, không liên quan tới sức khỏe của xương. Nhưng trên thực tế, rau không chỉ chứa một lượng lớn nguyên tố kali, magie, có thể giúp duy trì sự cân bằng axit-bazo, giảm tình trạng mất canxi.

Bản thân các loại rau còn chứa không ít canxi. Rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây… đều là những loại rau bổ sung canxi không thể xem nhẹ.

Thái An