Chế độ dinh dưỡng nào phù hợp cho người cao tuổi bị bệnh? Có nên sử dụng sữa Ensure gold cho người mới ốm dậy? Tất cả thắc mắc sẽ được TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy giải đáp.

Sữa Ensure gold bù đắp năng lượng

– Ba tôi bị bệnh viêm phế quản mạn tính phải nằm viện điều trị thời gian dài. Sau khoảng thời gian đó ông gầy đi hẳn lại ăn uống kém. Tôi có nghe nhắc nhiều về sữa Ensure gold, xin hỏi bác sĩ có thể sử dụng loại sữa này để ba tôi phục hồi sức khỏe cũng như bổ sung thêm dinh dưỡng không và tác dụng cụ thể là gì? (Minh Tùng)

Đối với những người bệnh hoặc đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể sẽ tăng lên gấp nhiều lần dẫn đến phải bổ sung dưỡng chất thiết yếu thông qua các loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Nếu ba anh ăn uống kém có thể dùng sữa để bù đắp những năng lượng còn thiếu trong cơ thể.

– Tôi vừa mổ ruột thừa, để giúp tôi phục hồi sức khỏe con gái có mua sữa Ensure gold cho tôi sử dụng hằng ngày. Sau thời gian ngắn sử dụng tôi thấy sức khỏe mình phục hồi đáng kể và mong muốn được sử dụng lâu dài, xin hỏi bác sĩ người già uống sữa Ensure gold nhiều quá có dễ mắc bệnh sỏi thận không? (Thu Hằng)

Sữa là một nguồn dinh dưỡng tốt vì dễ hấp thu, cơ thể sử dụng tốt trong tổng hợp đạm, chứa nhiều chất khoáng, vitamin. Việc uống sữa đều đặn mỗi ngày là thói quen tốt vì giúp duy trì sức khỏe, đặc biệt sức khỏe cơ xương.

Nếu dùng các loại sữa với hàm lượng canxi cao, người có tuổi nên uống đủ nước trong ngày thường 2 lít, có thể nhiều hơn trong trường hợp vận động nhiều. Người già thường hay quên uống nước vì quá trình lão hóa sẽ làm giảm khả năng khát.

Không quên kết hợp tập luyện

– Năm nay tôi 58 tuổi, khi đi khám bác sĩ kết luận là bị gan nhiễm mỡ. Nhờ bác sĩ tư vấn cách ăn uống và luyện tập để giảm mỡ và giữ gìn sức khỏe. (Tấn Tài)

Đối với bệnh gan nhiễm mỡ, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng như sau: giảm cân nếu thừa cân, béo phì; kiểm soát lượng thức ăn chứa nhiều tinh bột; tránh những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ; hạn chế các loại trái cây ngọt; tăng cường ăn ngũ cốc, đậu đỗ (loại không đường)…

Đặc biệt, không quên tập thể dục, mỗi ngày ít nhất 30 phút, kéo dài trên 8 tuần.

– Mẹ tôi không may trượt té trong nhà vệ sinh dẫn đến gãy xương đùi. Xin hỏi bác sĩ ngoài uống thuốc thì có lưu ý gì về ăn uống để vết gãy mau lành không? (Thu Hoài)

Ở người cao tuổi, mật độ xương giảm dần do quá trình lão hóa nên dễ bị gãy xương và vết gãy cũng lâu liền hơn so với người trẻ.

Để xương mau lành nên:

– Tập vận động sớm theo hướng dẫn của BS điều trị giúp máu huyết lưu thông làm xương mau lành, ngoài ra còn làm giảm hiện tượng phù nề, teo cơ, cứng khớp.

– Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng gồm các chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa), can xi, chất bột đường (cơm, cháo…), chất béo, rau quả,… Món ăn nên được chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu hóa phù hợp với người cao tuổi, tránh những thức ăn lạ, khó tiêu.

– Mẹ tôi bị tiểu đường nhiều năm nay nên ăn uống theo chế độ kiêng cữ, không ăn bất cứ đồ ngọt nào kể cả trái cây có vị ngọt, và ăn nhiều rau. Như vậy mẹ tôi có bị thiếu dinh dưỡng không? (Xuân Thắng)

Thiếu dinh dưỡng rất thường xảy ra ở những người mắc bệnh lý mạn tính đặc biệt đái tháo đường do kiêng khem không đúng. Một chế độ ăn hợp lý nên chọn những thức ăn tinh bột như gạo lức, lúa mạch hay các loại bún tươi, bánh phở ăn với một lượng vừa phải (150gr cho mỗi bữa). Bữa ăn nên với lượng đạm cao, trung bình 100-120gr thịt cá nạc, đậu đỗ cho mỗi bữa.

Không nên quá kiêng khem béo, dùng dầu với lượng vừa phải (khoảng 30-40gr dầu cho cả ngày) là cần thiết để duy trì chức năng cơ thể và kiểm soát đường huyết trong các bữa ăn. Chất xơ rất quan trọng cho người đái tháo đường vì kiểm soát được đường huyết sau ăn, làm giảm cholesterol máu.

Trái cây vẫn có thể được ăn nhưng không nên ăn các loại trái cây ngọt (nho, xoài chín, sầu riêng), thay vào đó ăn táo, dâu, ổi,… 200-250gr cho cả ngày.

Tập luyện thể chất đều đặn không chỉ giúp kiểm soát cân nặng, giảm lượng mỡ trong cơ thể mà còn giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Thúy Ngà