Nước ta có nhiều loại chuối như chuối tiêu, chuối tây, chuối hột. Trong đó chuối tiêu được dùng làm thực phẩm dinh dưỡng và làm thuốc nhiều nhất.
Chuối tiêu thơm ngon, giàu dinh dưỡng do chứa bột đường (glucose, fructose, sucroe); protein là albumin và globulin, mà được cấu tạo bởi các acid amin cần thiết; các vitamin: A, B, C, H…; các nguyên tố Ca, Fe, Mg, K, Na, Zn… và nhiều enzym: amylase, invertase…
Theo Đông y, chuối tiêu vị ngọt, tính lạnh; vào vị, đại tràng. Có công năng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Dùng cho các trường hợp táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai. Vỏ quả chuối chín có vị ngọt, chát, tính ôn; có tác dụng sát khuẩn, chỉ tả. Củ chuối: vị ngọt, lạnh; có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dịch nhựa chảy ra từ thân hay củ chuối: vị ngọt, chát, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc. Hằng ngày có thể ăn 1 – 5 quả; 20 – 30g vỏ chuối; 60 – 120g tươi củ chuối.
Một số đơn thuốc và thực đơn chữa bệnh:
Chữa đái ra máu: củ chuối tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g. Sắc lấy nước, uống trong ngày.
Chữa trĩ ra máu: chuối 2 quả, để cả vỏ, nấu chín, ăn trong ngày, dùng nhiều lần.
Chữa phế nhiệt, đàm suyễn: củ chuối tươi 60g, rau sam 30g. Giã nát ép lấy nước, đun âm ấm để uống.
Chữa mụn nhọt ở sống lưng, viêm cơ: củ chuối hay rễ chuối, giã nát đắp chỗ đau.
Chữa trúng độc do ăn uống: củ chuối tiêu 200g – 500g, thái miếng, sắc đặc lấy 1 bát. Cho uống để gây nôn.
Phòng và chữa viêm loét dạ dày: chuối tiêu xanh thái lát, phơi hay sấy ở nhiệt độ dưới 500C, tán bột. Ngày uống 20 – 30g.
Chuối luộc: chuối chín 2 – 3 quả, để cả vỏ luộc chín, cho ăn cả vỏ. Dùng cho các trường hợp táo bón, trĩ nội, ngoại xuất huyết.
Chuối hấp đường phèn: chuối chín 2 – 3 quả, đường phèn 100g. Chuối cắt đoạn, thêm đường phèn, đun cách thủy cho chín. Ngày 1 – 2 lần. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, ho khan, đờm ít dính, táo bón.
Kiêng kỵ: Không dùng nhiều khi bị tiêu chảy, đầy bụng trướng hơi.
(Theo SK&ĐS)