Categories
Sức khoẻ

Ung thư là ‘trời kêu ai nấy dạ, đành chịu’?

Tháng qua trong khi chờ khám tại trung tâm Ung bướu bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ông L., 62 tuổi, đến từ Lâm Đồng, tâm sự: “Tôi không bao giờ hút thuốc, ăn uống lành mạnh, sống trong môi trường tốt lành nhưng không hiểu sao lại bị ung thư phổi. Trời kêu ai nấy dạ, đành chịu”.

Xui rủi thì bị ung thư

Cách đây hai năm, nhà toán học Cristian Tomasetti và di truyền học ung thư Bert Vogelstein thuộc đại học Y khoa Johns Hopkins (Hoa Kỳ) đã gây tranh cãi khi công bố một nghiên cứu trên tờ Science, cho rằng phần lớn ung thư là do đột biến ngẫu nhiên và không thể tránh khỏi trong tế bào. Nói nôm na, xui rủi thì bị ung thư.

Sở dĩ nghiên cứu của Tomasetti và Vogelstein bị phản bác vì họ phân tích số liệu ở Mỹ và không đưa vào hai bệnh ung thư phổ biến và gây chết người nhiều nhất là ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.

Chuyện xảy ra trên thế giới, chứ ở Việt Nam ý tưởng của hai nhà khoa học trên có lẽ được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, bởi dân gian thường nói “ung thư trời kêu ai nấy dạ”.

Thế nhưng mới nhất, hồi tháng 3 qua trên tờ Science, sau khi mở rộng nghiên cứu của mình, Tomasetti và Vogelstein cũng đi đến kết luận tương tự. Theo tính toán của họ, chỉ có 29% ung thư gây ra do những yếu tố môi trường như hút thuốc, ăn uống hay tiếp xúc với ánh nắng, 5% ung thư gây ra do đột biến gien có tính di truyền, và 66% ung thư còn lại do lỗi sao chép ADN ngẫu nhiên. Nếu thế, theo Tomasetti, ung thư thật khó tránh khỏi!

Trong nghiên cứu của mình, Tomasetti và Vogelstein thu thập dữ liệu của 423 ca ung thư ở 68 quốc gia với 32 dạng bệnh ung thư khác nhau. Trong số này, 17 bệnh ung thư có một sự tương quan mạnh mẽ giữa tần suất ung thư và số lần tế bào bình thường phân chia, củng cố giả thiết đưa ra trước đó là tế bào càng phân chia nhiều thì khả năng chúng tạo ra sai lầm trong DNA dẫn đến ung thư càng cao.

Thí dụ trong trường hợp ung thư não, xương và tiền liệt tuyến, người ta thấy 95% trường hợp gây ra do đột biến xuất phát từ những sai lầm khi sao chép ngẫu nhiên. Tương tự, phần lớn ung thư ở trẻ em cũng gây ra do yếu tố này. Tomasetti và Vogelstein nói: “Trong số này không có bệnh ung thư nào có thể phòng ngừa được”.

Vogelstein nói thêm: “Hy vọng nghiên cứu của chúng tôi sẽ an ủi phần nào cho hàng triệu bệnh nhân bị ung thư nhưng có một đời sống gần như hoàn hảo, họ không hút thuốc, tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tránh ánh nắng mặt trời nếu không xoa kem chống nắng. Cha mẹ của những đứa trẻ bị ung thư cũng sẽ nhẹ nhõm, vì biết rằng họ không thể làm gì được để ngăn chặn bệnh cho con cái họ”.

Nhưng phát hiện sớm có thể chữa lành

Bất chấp nghiên cứu đưa đến một kết luận buồn bã – xui rủi thì bị ung thư – Vogelstein tin rằng phần lớn người ta có thể thoát được án tử ung thư nếu tăng cường tầm soát và phát hiện bệnh sớm.

Tháng qua, ông M., 52 tuổi, ngụ tại Bến Tre, qua đời sau một năm chiến đấu với bệnh ung thư phổi. Cái chết khá trẻ của ông để lại đau buồn lẫn tiếc nuối cho người thân. T., 28 tuổi, con dâu ông M. kể: “Ba chồng tôi rất khoẻ và sống lành mạnh. Ông khám sức khoẻ định kỳ mỗi năm, làm mọi xét nghiệm nhưng lại không bao giờ… chụp X-quang phổi, vì cho rằng mình không hút thuốc thì không thể bị bệnh phổi. Phải chi ông chịu khó chụp X-quang phổi thì biết đâu phát hiện được bệnh sớm và có cơ may chữa lành”.

Ông M. không phải là cá biệt. Chị X., 40 tuổi, ngụ tại TP.HCM, cũng rơi vào hoàn cảnh như thế. Làm chủ một công ty phân phối quần áo nhập khẩu, chị dành phần lớn thời gian cho kinh doanh nhưng không quên tập luyện và nghỉ ngơi đúng mức.

Tuy nhiên, sau một đợt rối loạn tiêu hoá và sụt cân, chị đi kiểm tra sức khoẻ và phát hiện bị ung thư gan. Chị nói: “Tôi nghĩ mình còn trẻ và sống lành mạnh không thể bị ung thư nên không bao giờ kiểm tra sức khoẻ, nào ngờ… ”.

TS.BS Trần Thanh Phương, Trưởng khoa ngoại 3 bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nói: “Người Việt Nam ít có thói quen kiểm tra sức khoẻ và tầm soát bệnh, nên phần lớn bệnh nhân ung thư đến bệnh viện thường là giai đoạn muộn, khó điều trị. Về nguyên tắc, càng phát hiện sớm thì cơ hội chữa lành ung thư càng cao. Thậm chí có bệnh còn chữa khỏi hoàn toàn”.

Trong tác phẩm Ung thư biết sớm trị lành, GS.TS Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch hội Ung thư Việt Nam, khuyến cáo cộng đồng: “Phải thật lưu tâm một số triệu chứng báo động bệnh mới chớm. Phải đi khám bệnh không được ỷ y (…) Ngày nay bác sĩ có nhiều cách định rõ bệnh rất hay. Biết sớm trị lành. Việc tấn công ung thư ngày càng hiệu quả”.

Cho dù đã “nâng cấp”, nhưng nghiên cứu của Tomasetti và Vogelstein có lẽ vẫn gây tranh cãi. Nhưng có lẽ họ cũng chẳng bận tâm điều này vì thực tế họ đã mở ra một hướng chiến thắng ung thư, đó là phát hiện bệnh sớm bằng những giải pháp hiện đại. Vogelstein nói: “Trong 50 năm qua, con người vẫn quanh đi quẩn lại với những giải pháp công nghệ phát hiện ung thư quen thuộc”.

Hy vọng mới đang mở ra cho con người vì trong năm nay Grail, một công ty tại San Francisco (Hoa Kỳ), tự tin sẽ nhận được tài trợ 1 tỉ USD để nghiên cứu cách thử máu dựa trên việc giải trình tự gien DNA và RNA mà tế bào ung thư rơi rớt trong dòng máu. Cần nói thêm, Grail là một công ty khởi nghiệp, họ đã nhận được 100 triệu USD góp vốn từ nhiều đối tác, trong đó có Bill Gates.

Những dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư thường bị bỏ qua

Các dấu hiệu hoặc triệu chứng ung thư thường không rõ ràng, do đó dễ bị bỏ qua. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư bạn cần lưu ý.

Bộ trưởng Y tế: Ung thư chết nhiều không phải do thực phẩm bẩn

Bộ Y tế mời chuyên gia trong và ngoài nước làm rõ nguyên nhân 70.000 ca ung thư chết mỗi năm không phải do thực phẩm bẩn.

Căn bệnh ung thư ám ảnh, 1 phút có 3 người chết

Đây là căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới, số lượng tử vong nhiều hơn tổng 3 loại ung thư vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt cộng lại.

(Theo Dân Việt)


Categories
Sức khoẻ

Người béo phì dễ mắc ung thư gì?

 

– Nhiều người nghĩ béo phì chỉ liên quan đến tiểu đường, tim mạch, nhưng thực tế đây chính là nguyên nhân gây ra 20% ung thư. 

 

Tại hội thảo mới đây ở Hà Nội về thải độc cơ thể phòng ung thư, GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc bệnh viện K cho biết, ung thư đang là vấn đề bức bối không phải của riêng quốc gia nào mà của toàn thế giới.

Đây là căn bệnh đa nguyên nhân. Tại Việt Nam, ngoài tuổi thọ, giới tính, địa dư, 80% ung thư do tác động từ môi trường, trong đó thuốc lá chiếm 33%, 35% do thực phẩm không an toàn và chỉ 5-10% liên quan đến yếu tố di truyền.

GS nhấn mạnh, với ung thư phòng bệnh phải đóng vị trí ưu tiên hàng đầu. Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như việc thay đổi lối sống: bỏ thuốc, hạn chế rượu bia, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, người dân nên cố gắng tuân thủ.

 

“Riêng thực phẩm bẩn là vấn đề làm nóng cả QH. Hoá chất trong thực phẩm khi vào cơ thể sẽ tích luỹ dần, bám chắc trong các mô cơ thể. Nhưng ăn rồi làm sao thải ra? Nên thải độc cơ thể là vấn đề rất mới”, GS Đức chia sẻ.

Ông cho biết, vừa qua trên mạng xã hội chia sẻ nhiều về các phương pháp thanh lọc cơ thể, như uống nhiều nước, uống nước chanh… Tuy nhiên người dân không nên áp dụng thái quá, đã có trường hợp tử vong vì truỵ tim mạch, suy kiệt do chỉ uống nước.

Theo các chuyên gia, gan có cơ chế tự thải độc, giúp loại bỏ các chất thừa thãi, các độc tố ra khỏi cơ thể; tập thể dục, uống nước nhiều cũng hỗ trợ quá trình thải độc.

Tuy nhiên bình thường hệ thống thải độc chỉ hoạt động được 40% công suất, trong khi độc tố trong thực phẩm ngày càng nhiều nên cần phải bổ sung các chất oxy hoá, các hoạt chất làm tăng hoạt tính của các enzym tại gan bằng việc ăn các thực phẩm chứa nhiều glutathione như măng tây, mầm súp lơ, rau chân vịt, đậu bắp…

Nhưng cũng có những chất gan không thể loại bỏ được, do đó cách tốt nhất vẫn là hạn chế đưa chất độc vào cơ thể.

Nhận diện thực phẩm tăng nguy cơ ung thư

PGS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng cho biết, ngoài các chương trình dự phòng (cấm hút thuốc nơi công cộng) và sàng lọc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng chính là một trong những biện pháp dự phòng ung thư.

 

“Nhiều người nghĩ béo phì chỉ liên quan đến tiểu đường, tim mạch, nhưng thực tế đây chính là nguyên nhân gây ra 20% ung thư. Khi béo phì sẽ khiến các độc tố chất tăng trọng, kháng sinh trong sản phẩm động vật tích lại các mô mỡ, thịt, cơ thể không đào thải được”, bà Hương chia sẻ.

Những người béo phì có nguy cơ cao mắc các loại ung thư thực quản, tiền liệt tuyến, đại trực tràng, vú, nội mạc tử cung, thận.

Các yếu tố đầu vào khác như rượu sẽ gây ung thư khoang miệng, thực quản, gan, đại tràng vú; Ăn mặn sẽ gây ung thư dạ dày, mũi họng.

Ăn nhiều thịt đỏ dễ gây ung thư đại trực tràng; ăn thức ăn nấm mốc (aflatoxin) gây ung thư gan; các loại thức ăn, thức uống quá nóng thường xuyên sẽ gây ung thư khoang miệng, thực quản; ăn nhiều đồ nướng, đồ ăn nhanh gây ung thư dạ dày, đại trực tràng…

 

PGS Hương khuyến cáo, người dân cần ăn nhiều rau củ quả để ngừa ung thư khoang miệng, thực quản, đại trực tràng; ăn nhiều cá, tỏi, thực phẩm chứa nhiều canxi để ngừa ung thư trực tràng; ăn các loại thực phẩm chứa nhiều selen như lúa mỳ, ngô, bắp cải, đậu hà lan, cà rốt, thuỷ hải sản để ngừa ung thư phổi, đại trực tràng, tiền liệt tuyến.

Thực phẩm chứa nhiều folate trong đậu, ngũ cốc chưa xay xát kỹ giúp ngừa ung thư tuỵ, thực quản, đại trực tràng.

Thúy Hạnh


Categories
Sức khoẻ

Ngừa ung thư phổi, detox chỉ 3 ngày

Giải độc thường xuyên (1 tháng/lần) giúp phổi hoạt động tốt trở lại và đào thải độc tố nhanh hơn.

Dù hút thuốc hay không, bạn vẫn cần thực hiện giải độc tố ở phổi, bởi ngoài việc hút thuốc thì hít khói thuốc thụ động, sự ô nhiễm không khí từ giao thông và công nghiệp là những tác nhân gây hại cho phổi và đường hô hấp.

Ngoài ra, độc tố từ nấm mốc và các vi khuẩn có thể phá hủy hệ hô hấp và thậm chí dẫn đến các bệnh nguy hiểm đến tính mạng, ví dụ ung thư phổi hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Giải độc thường xuyên (1 tháng/lần) giúp phổi hoạt động tốt trở lại và đào thải độc tố nhanh hơn. Thực hiện lịch detox trong vòng 3 ngày như sau để làm sạch hệ hô hấp, ngăn ngừa ung thư phổi và nâng cao sức đề kháng.

Đầu tiên, hãy ngưng tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Chúng chỉ tạo ra nhiều dịch nhầy trong khi cơ thể đang cố loại bỏ. Điều này sẽ khiến việc giải độc ở phổi của cơ thể bị phân tán và kém hiệu quả.

Sau đó, hãy uống các loại trà thảo mộc mà bạn thích vào buổi tối, ví dụ trà rễ bồ công anh hoặc trà gừng. Trà sẽ làm ấm người, tăng sức đề kháng và giảm chứng bệnh táo bón. Điều này giúp ruột khỏe mạnh hơn khi thực hiện quá trình detox.

Hãy bắt đầu uống 1 cốc nước chanh trước mỗi bữa sáng. Nước chanh sẽ khiến bạn thấy no hơn, cũng như cung cấp cho cơ thể 1 lượng chất dinh dưỡng cần thiết mà độc tố từ khói thuốc, khói bụi lấy đi từ cơ thể bạn.

Khi ăn sáng, bạn có thể uống nước cam, dứa hoặc cà rốt. Chúng chứa các chất chống oxy hóa tự nhiên cải thiện hệ hô hấp và làm sạch phổi. Bữa trưa, hãy uống nước ép giàu kali như củ cải đỏ, rau mùi, sung, chuối, cà chua hoặc táo mèo. Trước khi đi ngủ, uống 1 cốc nước ép việt quất có tác dụng hạn chế sự nhiễm độc ở phổi.

Tắm nước ấm, nếu có thể, nhỏ 1 vài tinh dầu bạch đàn vào nước ấm và hít thở đều. Chất làm long đờm có trong tinh dầu bạch đàn có tác dụng thông mũi và giúp điều trị bệnh viêm xoang.

Cuối cùng, hãy tập thể dục. Bạn không cần phải chạy 1 quãng đường dài, mà hãy bắt đầu bằng việc đi bộ nhanh, hoặc tích cực tham gia các hoạt động leo núi hoặc bơi lội. Ngoài ra, tập thở sâu 30 phút mỗi ngày ở không gian thoáng đãng giúp loại bỏ độc tố trong phổi.

Sau 3 ngày, bạn có thể tiếp tục ăn các sản phẩm từ sữa, nhưng tốt nhất hãy hạn chế số lượng tiêu thụ.

Hương Thảo (theo Naturalblaze/Simpleorganiclife)